Lượt xem: 366

Nông dân Sóc Trăng phấn khởi nhờ lúa trúng mùa được giá

Trái với những dự đoán và lo lắng ban đầu của người nông dân trước những ảnh hưởng của Covid-19 và những tác động của yếu tố thời tiết, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng sẽ thấp, khó bán, nông dân sẽ bị lỗ nặng trong vụ sản xuất. Thực tế tại các cánh đồng, giá lúa đang tăng lên liên tục trong những ngày gần đây khiến nông dân vô cùng phấn khởi; qua đó, nông dân tiếp tục có một vụ sản xuất thành công, vừa trúng mùa lại được giá, bỏ lại những lo âu của dịch bệnh và thời tiết bất lợi.

    Tại huyện Châu Thành, một trong các địa phương của tỉnh Sóc Trăng có diện tích lúa đang được thu hoạch. Trong những ngày gần đây, nhờ nắng nóng kéo dài, việc thu hoạch đang được nông dân trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ.

    Đồng chí Võ Minh Luân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, vụ lúa Hè Thu năm nay dù gặp không ít bất lợi như hạn hán, mặn xâm nhập và mới đây là ảnh hưởng của mưa bão, gây ngã đổ và ngập một số diện tích lúa đang trong giai đoạn sắp thu hoạch, khiến nhiều người dân rất lo lắng trước thời điểm thu hoạch. Tuy vậy, đến thời điểm này thì bà con nông dân trên địa bàn huyện vô cùng phấn khởi, khi lúa trúng mùa, giá bán lại cao.


Nhờ giá bán cao, thời tiết thuận lợi, nông dân Sóc Trăng có vụ mùa thành công. Ảnh Chanh Đa

    Theo nhiều nông dân, với mức giá thu mua lúa của thương lái hiện nay thì cho lợi nhuận thu về từ vụ sản xuất rất tốt. Chị Đặng Thị Kim Thoa - ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành vừa thu hoạch xong 1,2 ha lúa OM 18 đã có thương lái đến thu mua. Chị Thoa ước tính, với năng suất bình quân đạt 800kg mỗi công (1.000m2), giá bán 5.900đồng/kg, trừ xong các khoản chi phí, mỗi công chị thu lãi được gần 3 triệu đồng.

    Chị Thoa chia sẻ, lúa lên giá cũng hơn chục ngày nay rồi. Bà con nông dân năm nay ai cũng vui vì lúa được giá, lại nhẹ công chăm sóc. Năm rồi giá bán chỉ được có 4.000 đồng/kg, nhưng năm nay thì giá được 5.900 đồng/kg, cao hơn năm trước nhiều.

    Còn chị Trần Thị Thu Vy, cùng ngụ tại xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành cũng phấn khởi cho biết, năm nay giá lúa nên các hộ dân ở địa phương rất vui mừng. Vụ này, gia đình sản xuất trên 3,5 ha giống lúa OM 18 và đã thu hoạch cách đây vài ngày với năng suất khoảng 850 kg/công (1.000m2). Theo chị Vy, lúa tăng giá nên việc thu mua của thương lái cũng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Lúc giá lúa sụt thì thương lái họ cũng ép giá nông dân dữ lắm, thậm chí là làm khó, nhưng mà vụ này, lúa trúng mùa, được giá nên cả bên mua bên bán ai cũng suôn sẻ, hài lòng.

    Theo ngành nông nghiệp thị xã Ngã Năm, vụ lúa Hè Thu 2020, nông dân thị xã Ngã Năm xuống giống được trên 18.000 ha, với các giống chủ yếu là OM, ST… Hiện, nông dân trên địa bàn thị xã đã thu hoạch gần dứt điểm diện tích, năng suất bình quân đạt trên 5,5 tấn/ha.

    Theo nhiều nông dân trên địa bàn thị xã, năm nay, giá lúa được thương lái thu mua tận ruộng giá cao hơn các vụ mùa trước nên ai cũng phấn khởi. Với giá bán đạt từ 5.500- 7.500 đồng/kg tùy giống lúa thường và lúa đặc sản, trung bình mỗi ha, nông dân trên địa bàn thị xã Ngã Năm thu lãi từ 20-45 triệu đồng.

    Ông Nguyễn Văn Lưu, nông dân ở Phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết, vụ sản xuất này nông dân nào cũng sợ giá lúa sẽ xuống thấp do ảnh hưởng của Covid-19, thương lái sẽ ép giá, nông dân sẽ bị lỗ nặng, chưa kể gần đến ngày thu hoạch thì mưa lớn kéo dài liên tục. Nhưng khi đến ngày thu hoạch thì nắng tốt, giá lúa nhích lên cao từng ngày khiến ai nấy cũng vui mừng vì lúa vừa trúng mùa lại có giá. Vụ này gia đình ông Lưu sản xuất được trên 2 ha lúa đặc sản ST24, sau trừ chi phí ông thu lãi trên 40 triệu đồng/ha.

    Bà Trương Thị Đèo cùng ngụ Phường 3, thị xã Ngã Năm chia sẻ, chưa thấy vụ nào mà giá lúa lại được cao như năm nay cả. Mấy vụ sản xuất trước nông dân cũng có lãi tương đối, nhưng vụ này, nông dân thắng lợi kép cả về năng suất và giá bán. Năm nào mà lúa có giá thì nông dân “khỏe” hẳn.

    Sau nhiều năm được mùa mất giá, lại thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, sự kỳ vọng của người dân Sóc Trăng nói riêng và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung về lợi nhuận từ cây lúa đã giảm đi rất nhiều; thậm chí, nhiều diện tích lúa đã được chuyển dần sang trồng các loại cây trồng khác, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, quan trọng là không bị “tắc” đầu ra. Nay, thành công từ một vụ sản xuất cả về năng suất lẫn giá bán đã giúp cho nông dân thắp lại niềm tin về lợi nhuận từ cây lúa.

Chanh Đa



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 7995
  • Trong tuần: 75,315
  • Tất cả: 11,859,504